I - p và ~p
Trong triết học logic thời kỳ đầu của triết gia Ludwig Wittgenstein, toàn bộ cõi sống này là một không gian logic. Cơ sở của cái không gian logic này là ở mối quan hệ gắn bó tuy hai mà một, tuy một mà hai giữa sự - có (hiểu như sự đầy) và sự - không (hiểu như sự rỗng). Wittgenstein gọi mối quan hệ rỗng đầy này là mô thức logic. Tất cả những gì bên ngoài không gian logic này là nonsense - tức những gì không thể quan niệm được. Mọi sự vật trên đời, từ cái chết của một con kiến bé vô danh đến sự kiện 11 tháng 9; từ sự nở và hương thơm của đoá trà mi từng làm Nguyễn Du thổn thức, cho tới sự xuất hiện của UFO; từ giọt thuốc độc từng giết chết cả Romeo và Juliette đến việc nữ hoàng phim người lớn Maria Ozawa chuyển sang đóng phim chính thống tại Philipinne; tất cả các việc ấy đều không thể đi ra ngoài không gian logic của có và không; rỗng và đầy. Ta sẽ gọi đầy là p và rỗng là ~p.
II - Bề mặt và đằng sau bề mặt
Friedrich Nietzsche từng bảo, “không có thực kiện, chỉ có diễn giải”. Khi nói vậy, có thể hiểu, ý của triết gia là: thực kiện - tức điều nằm ngay trước mắt chúng ta đó thật ra là một điều hoàn toàn không có thực. Sự không có thực của nó không phải vì nó vô hình về mặt vật chất, mà vì nó chịu sự chi phối của ý chí chủ thể và do đó, không có sự tồn tại độc lập. Tại đây, thật ra Nietzsche, dù chống Immanuel Kant kịch liệt nhưng dường như ông lại đi theo chính con đường của Kant. Khi ông coi p là thực kiện, thì ở đây ~p chính là diễn giải. Và trong thế giới của ông thì sự tồn tại của p là không có, đồng thời chỉ có duy nhất ~p là tồn tại.
Với Immanuel Kant, sở dĩ ta biết được cõi sống này là bởi cõi sống này xuất hiện ra cho ta để ta biết nó. Tất cả các sự vật trong cõi sống mà ta biết, thật ra đều chỉ là các sự vật phù hợp được với cơ chế nhận biết của ta. Các sự vật không phù hợp với cơ chế nhận biết này tức điều Kant gọi là “Ding an sich” (vật tự thân), là những gì nằm ngoài sự biết của ta. Rõ ràng là, nhìn ở góc độ hiện tượng học, chẳng phải thao tác biết của chủ thể đã chính là một sự diễn giải ở góc độ cơ sở nhất hay sao? Và chẳng phải là, nếu đúng là như thế, Nietzsche dường như không nói điều gì khác với Kant về sự tồn tại của p và ~p: không có p và chỉ có ~p.
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, ông vua Pop Art Andy Warhol đưa ra một tuyên bố xanh rờn: “Nếu ai muốn hiểu Warhol, chỉ cần nhìn vào bề mặt: của các bức tranh, của các bộ phim, và của chính Warhol. bề mặt ấy chính là tôi đó. Chẳng có gì ở phía sau chúng đâu”. Có thể hiểu, với Warhol, thế giới này không có gì ngoài cái bề mặt. Không có cái gọi là chiều sâu, và do đó, không có cái gọi là diễn giải.
Tuy nhiên Warhol không phải là người đầu tiên đưa ra tuyên bố này trong không gian mỹ học/triết học Âu Mỹ. Ít ra là, trước Warhol gần 300 năm, Goethe đã nói một điều giống y như vậy trước Warhol nhiều. Nguyên văn lời Warhol đã từng nói rằng: “ Ta không nên tìm gì ở phía đằng sau của một hiện tượng, bởi chính bản thân của chúng đã là một thông điệp”. Giống như Warhol gần 300 năm sau, Goethe cho rằng, mọi sự thực của cõi sống này nằm nơi bề mặt của nó. Phía sau bề mặt ấy hoàn toàn không có gì hết. Như vậy là, với cả Goethe và Warhol, đều cho rằng: “không có ~p, chỉ có p”.
III - Collage và Meta-surface
Theo tôi, triển lãm “Không có gì ở đằng sau" của Bùi Thanh Tâm chính là một bước ngoặt rất lớn trong con đường nghệ thuật của anh. Một trong những nghệ sỹ đáng xem nhất ở thế minh. Nói là bước ngoặt lớn là bởi, tất cả các tác phẩm trong triển lãm này đều hoàn toàn khác các tác phẩm trước đây. Một sự khác biệt không chỉ ở góc độ hình ảnh, mà đây còn là ở góc độ bản thể học.
Xuất hiện tràn ngập trong các tác phẩm trước đây, tức những gì làm nên tên tuổi của Bùi Thanh Tâm, là các nhân vật như thể búp bê ma quái với những đôi mắt to tròn thất thần luôn nhìn thẳng vào người xem. Dù là ở trong bất kỳ dáng vẻ hay vai trò nào, một người mẫu chân dung tả thực, các cô Tố nữ hiện đại hư cấu, hay những các mệnh phụ đỏm dáng bế thú cưng nhấm nháp cocktail, thì các nhân vật đó đều giống hệt nhau như thể có chung huyết thống - một huyết thống ma quái. Không ngạc nhiên khi nhiều người coi đây là cách nghệ sỹ cắt nghĩa xã hội chúng ta đang sống, mà ở đó, con người chỉ là các búp bê được sản xuất hàng loạt đi lại và hoạt động trong các hoạt cảnh vừa u ám, vừa pha đôi nét giễu nhại bởi chính cái nhìn “u-mua đen” của tác giả tạo ra.
Tuy nhiên, trong triển lãm “Không có gì ở đằng sau” này của Bùi Thanh Tâm, cả đề tài lẫn nội dung tác phẩm và cả đặc điểm tạo hình tác phẩm đều đã hoàn toàn đổi khác. Tất cả các vật thể trong tranh, thay vì được nghệ sỹ đặt trong một cấu hình đơn giản kiểu trước đây, mà ở đó, con người luôn chiếm không gian trung tâm thì giờ đây ở trong các tác phẩm của Tâm, chúng đã bị biến mất hoàn toàn vào bề mặt của bức tranh, hoặc bị trộn lẫn vào vô số các vật thể - nhân vật khác. Con người đã hết còn là trung tâm quan sát của nghệ sỹ để chỉ trở thành một yếu tố nhỏ bé nằm trong cấu hình vô cùng phức tạp bao gồm vô số các yếu tố khác nữa. Các nhân vật búp bê u buồn ba chiều đen tối đã biết mất, để được thay thế bằng vô số hình ảnh lấy ra từ kho dữ liệu dân gian. Những tâm trạng u buồn, cô độc và giễu nhại được thay thế bằng các hình ảnh ngồn ngộn ngợp mắt và đầy khoa trương. Không gian kiểu sân khấu tự sự và độc thoại được thay thế bằng không gian kiểu đại hý viện của các màn diễn tập thể. Thao tác vẽ, tô màu và được thay thế bằng thao tác cắt dán collage.
Lưu ý nhỏ về collage: Một tác phẩm collage, về thực chất, chính là một sự từ khước phía đằng sau ở mặt bản thể học. Với collage, tất cả chỉ là bề mặt, là khoảnh khắc, là các lát cắt không có sự tiếp nối. Người ta không xem một tác phẩm collage theo nghĩa nhận thức học. Các bức collage không kể chuyện. Chúng phá bỏ câu chuyện. Vì lẽ đó, người ta đối diện với các bức collage như thể gặp gỡ với các sự kiện thị giác thuần tuý, mà ở đó, điều họ thấy là bản thân các sự phá bỏ câu chuyện; mà ở đó, điều họ thấy chỉ là các bề mặt không nghĩa. Không có gì ở đằng sau. Tất cả chỉ là sự lặp đi lặp lại của vô số bề mặt. Có thể nói, tác phẩm collage chính là một siêu bề mặt.
Tuy nhiên, phải có điều gì hơn thế nữa. Cái không gian vừa thiêng liêng, vừa gợi dục, vừa tràn ngập hình thể nhưng cũng không kém phần vừa đơn điệu đến mức gây nhàm chán, vừa vàng son u trầm và đâu đó lại hơi có chút vừa “rởm” (kitsch) một cách hoa hoè hoa sói, nhưng lại cũng không kém phần vừa truyền thống, vừa phản truyền thống, ngợp mắt, khoa trương như được đề cập tới ở mục 7 còn có ý nghĩa gì?
IV - p là ~p
Có thể nói, khi giới hạn toàn bộ sự biết của con người trong không gian logic của mô thức p và ~p, tức không gian của những gì con người có thể nói được, có thể nghĩ được, không phải là Wittgenstein cho rằng sau p và ~p không có gì cả. Nói cách khác, không phải là với Wittgenstein, không thể nào có được những không gian trong đó chỉ có p, hoặc chỉ có ~p, hoặc lúc thì là p lúc thì là ~p, hoặc vừa là p vừa là ~p,... Thực tế là trong giai đoạn tiếp theo trong triết học của mình, ông đã dành cho cõi sống/ngôn ngữ của con người cái quyền lực vô hạn đúng như thế. Chúng là không gian của các trò chơi. Và trong các trò chơi này, mọi thứ đều có thể xảy ra, một cách vô tận. Có lẽ đầu mối của mọi sự là đây.
Theo tôi, loạt tác phẩm mới nhất này của Bùi Thanh Tâm thoả mãn hoàn toàn cái không gian - trò chơi vô tận kiểu Wittgenstein. Thế giới hoá ra không phải là được đặt trong một cơ chế logic giữa p và ~p, theo nghĩa, nếu có p, thì phải không có ~p và ngược lại. Cái thế giới mà Bùi Thanh Tâm đem lại cho chúng ta trong triển lãm “Không có gì ở đăng sau” có vẻ là một thế giới mà ở đó p đã chính là ~p. Không gian logic p hoặc ~p đã bị không gian trò chơi p = ~p thay thế. Trong không gian trò chơi này, tất cả đều có thể vừa là nó, vừa là cái không phải nó; chiều sâu và bề mặt không còn ranh giới.
Ngay tại đây, ta thấy ra điểm mốc quan trọng về mặt tư tưởng trong nghệ thật của Bùi Thanh Tâm. Về bản chất, cấu trúc p = ~p là một cấu trúc siêu bề mặt. Nó không phải là bề mặt, xét như điều gì có một chiều sâu bên dưới. Nó cũng không phải là một chiều sâu được lộn ra phía trước nhờ vào thao tác diễn giải hay ý chí của chủ thể theo kiểu Nietzsche. Thực tế là, một không gian siêu bề mặt có nghĩa rằng ở đó, ta chỉ thấy có các bề mặt, hơn thế, chỉ các bề mặt chồng lên các bề mặt khác, chỉ có sự lặp đi lặp lại của các các bề mặt. Ở đây, dưới các bề mặt không phải là chiều sâu, mà chỉ là một hay nhiều bề mặt khác. Giữa bề mặt này và bề mặt kia không có bất kỳ quan hệ gì về mặt nghĩa. Mỗi bề mặt là một thế giới/cõi sống/trò chơi riêng biệt, do đó, chúng tồn tại độc lập trong không gian vô tận. Nếu như ta coi giai đoạn nghệ thuật trước đây của Bùi Thanh Tâm là một giai đoạn nghệ thuật chịu sự chi phối của cấu trúc logic chỉ có p, không có ~p, tức cấu trúc kiểu Nietzsche, mà ở đó, cõi sống chỉ là những gì được chủ thể diễn giải và chịu sự chi phối nơi ý chí của chủ thể, thì ở giai đoạn sau này đây, qua cấu trúc logic p = ~p, tư tưởng về cõi sống của Bùi Thanh Tâm đã có sự chuyển đổi: cõi sống không có chiều sâu. Không chỉ thế. Cõi sống giờ đây là một địa bàn chỉ có các bề mặt. Hệ quả là, cõi sống ấy đã trở nên một nơi chốn phi lịch sử, phi ký ức, và đặc biệt là, nó có thể dung chứa tất cả mọi nghịch lý và mâu thuẫn.
Thực sự là, một thế giới quan p = ~p, nhìn từ phương diện đạo đức học, có thể bị coi là một cách tiếp cận hư vô hoá. Tôi cho rằng không phải không có người sẽ “dị ứng” với cách tiếp cận này. Những người này hẳn là những ai vẫn cho rằng cõi sống là địa bàn của cấu trúc p hoặc ~p. Cách tiếp cận hư vô hoá này hẳn là, với những người ấy, có thể đưa ra nhiều khả thể nguy hiểm cho cả tư tưởng lẫn đời sống con người. Nói một cách nào đó, những người này không phải là không có lý. Song thực tế là, họ đã quên chính họ đang sống trong một cõi sống ra sao.
Về mặt tư tưởng, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, triết gia Francois Lyotard đã đưa ra tuyên bố rằng “phương tiện chính là thông điệp” - một lời tiên tri báo hiệu uy quyền của hình ảnh, của công cụ truyền thông đại chúng, tức điều sẽ thay đổi hoàn toàn khái niệm cổ điển về thông điệp, như điều gì phải có một phương tiện chuyên chở. Sự ra đời và phổ biến của các công cụ truyền thông đại chúng như Facebook, Tik-Tok, Instagram, vân vân gần đây đã là minh chứng tuyệt vời cho lời tiên tri của Lyotard: phương tiện (chuyên chở thông điệp) chính là thông điệp. Bề mặt chính là đằng sau bề mặt. p chính là ~p. Tuy nhiên, không chỉ tư tưởng. Dịch Covid-19 mà chúng ta đang đối mặt ngay lúc này chẳng phải là cơ hội để ta thấy thật rõ, p và ~p, xét ở cấp độ cực đoan nhất của nó, hiểu như là sự sống và sự chết, hư vô và tồn tại, dù chưa là nhau, song đã sát kề nhau đến mức nào ư?
Chính ngay tại điểm này, ta thấy cách tiếp cận của Bùi Thanh Tâm về mặt tư tưởng là hoàn toàn có lý. Cái nhìn của hoạ sỹ vào cõi sống như một không gian siêu bề mặt, phi ẩn dụ, phi ý nghĩa, chỉ có cái bây giờ cái hiện tại, và cái nhìn rằng cõi sống hiện tại bao gộp cả những gì mâu thuẫn và phi lý nhất, dường như chính là phản ứng trực tiếp của nghệ sỹ trước cái cõi sống như nói trên: một cõi sống đã mất chiêu sâu và mất nghĩa. Một cõi sống mà tất cả chỉ là các bề mặt lặp đi lặp lại vào vô tận. Một cõi sống mà ở đó, p đã chính là ~p.
Nguyễn Như Huy
Giám tuyển, nhà phê bình nghệ thuật
GateGate Gallery được thành lập như một điểm kết nối giữa nghệ sĩ trẻ tiềm năng, nghệ sĩ thành danh tại Việt Nam, và nghệ sĩ Việt Nam tại nước ngoài.
230/18 Pasteur, Vo Thi Sau Ward, District 3, HCMC, Vietnam
Opening Hours: Tue - Sun, 10am - 6pm
Tel: +84 94 777 3938
Email: gategate.gallery@gmail.com