Nhị nguyên - Tâm

11 Sep 2023

Nhị nguyên - Tâm

Tôi quen Bùi Thanh Tâm vào khoảng năm 2009, trong một lần đi Singapore dự triển lãm một hoạ sĩ khác. Đến buổi khai mạc hơi sớm, tôi bèn ra ngoài vườn, lật từng trang catalogue - được Tâm tặng. Bất chợt có một người đàn ông nhỏ con, đeo kính đến gần tôi bắt chuyện. Sau vài câu chào hỏi, tôi đưa cuốn catalogue trên tay cho ông kèm vài lời giới thiệu về các họa sĩ Việt Nam. 


Sau khi xem qua một lượt, ông ấy nhận định: “Tôi nghĩ họa sĩ này sẽ có một tương lai rực rỡ”. Sau đó tôi có thuật lại phút gặp gỡ cho chị bạn người Singapore đi cùng, chị tròn mắt thốt lên: “Ông ấy là một trong những curator (giám tuyển nghệ thuật) hàng đầu ở Singapore!” 

Tối đó trằn trọc không ngủ được, tôi bèn rủ Tâm đi ra ngoài chơi. Rời sòng bài khi chạng vạng sáng, trên phố Geylang hắn mới chia sẻ về những gì vừa quan sát được. Những đôi mắt của những kẻ chơi bạc như vằn lên tia máu, không cảm xúc hoặc đờ đẫn như có lớp sương giăng rất giống với những nhân vật trong bộ tranh “Những kẻ điên” (Crazy people) mà hắn đã thực hiện. Bộ tranh mà hắn đã lấy cảm hứng phần hình từ các con rối nước, các tượng La Hán từ các ngôi chùa quê mình, để tạo nên những “hình nhân-búp bê” với đôi mắt mở to ngờ nghệch, vô hồn. Trong chiếc áo dài, chúng giẫm đạp lên những giá trị truyền thống xung quanh, cố “giải thoát” bản thân nhưng rồi lại “xô lệch” trong cơn lốc thừa mứa vật chất và các giá trị phương Tây. Bộ tranh ấy vẫn được nhắc đến như một kỳ tích hội hoạ Việt. Chúng “bốc hơi” trong chỉ hơn 15 phút, khi được treo lên tại triển lãm hội chợ đương đại nghệ thuật Châu Á. 


Tiếp xúc một thời gian dài, tôi nhận ra Bùi Thanh Tâm là kẻ yêu dại khờ “cái đẹp”, nhất là vẻ đẹp của phụ nữ. Hắn từng tâm sự: Từ nhỏ thích vẽ và mơ trở thành họa sĩ chỉ vì nghĩ, khi làm họa sĩ mình sẽ được tha hồ vẽ người đẹp. Hắn thích tô màu hồng nhưng lại mê võ thuật. Hắn thích giao lưu, cưu mang bạn bè và thường bày cả mâm rượu thịt, cigar ra đãi khi mọi người đến nhà. Có lần trong một cơn chếnh choáng, tôi hỏi: Sao mấy đứa em gọi cậu là “Tâm bảy mũi” vậy? Hắn mới kể suốt thời gian sinh viên thường vẽ rất ít, đêm đêm hắn đi kiếm thêm bằng cách làm vệ sĩ cho các em ca sĩ phòng trà. Mỗi khi các cô ấy bị ức hiếp, hắn lại phải đứng ra dàn xếp, thậm chí đánh đấm suốt. Một buổi nọ có thằng em hẹn hắn ra khóc, vì đi tán gái làm sao thì bị một cao thủ phái Thiếu Lâm Hắc Hổ bắt nạt. Nổi máu yêng hùng hắn hẹn cao thủ đó ra cầu quyết đấu. Cuộc tỉ thí nhanh chóng kết thúc, cao thủ rớt xuống cầu với chỉ một cú đấm. Nghe đồn sau đó, cao thủ gãy một cái răng và phải đi bệnh viện khâu bảy mũi. 


Không biết cái tính bất chấp và chút máu giang hồ đó có giúp gì cho việc sáng tác không, nhưng rõ ràng Bùi Thanh Tâm chơi đẹp với bạn bè và cả nghiệp vẽ của mình. Sẵn sàng bỏ qua kỹ thuật sơn dầu vững vàng, bảng màu cá nhân ngọt ngào - thời trang luôn gây ngạc nhiên cho người xem và cả phong cách biểu hiện - Pop-Art đã định danh, hắn lao vào địa hạt khó nhằn thể hiện: cắt dán (collages). Để rồi sau đó, lần đầu tiên ở Việt Nam có một bộ tranh “cắt dán” đồ sộ mang tên: “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind). Những hình nhân “búp bê vô hồn” đã biến mất rồi, chỉ có lớp lớp hình ảnh tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng… được ken chặt, choàng lên xâm chiếm các tác phẩm hội hoạ lớn của thế giới, rồi dàn trải mọi thứ ra trên một mặt phẳng tuyệt đối. Chúng như một cuộc va đập mạnh giữa quá khứ - hiện tại, truyền thống - đương thời, Đông -Tây để rồi cả không gian - thời gian biến mất, chỉ còn “khoảnh khắc” này, đang hiện hữu trước mắt người xem. 


Dù chưa bị rung cảm mạnh như các tác phẩm trước đây của Bùi Thanh Tâm, nhưng tôi thật sự thấy ngạc nhiên, thú vị với ý tưởng táo bạo này. Bộ tranh không những gây tiếng vang trong nước, mà khiến cả những nhà sưu tập nghệ thuật từ Miami, các giám đốc nghệ thuật các gallery lớn của Châu Á chú ý, âm thầm tìm đến và sưu tầm. Cách đây hơn tháng tôi có ghé thăm lại xưởng của Bùi Thanh Tâm. Tôi thật sự choáng với khối lượng tác phẩm mà hắn đang say sưa chuẩn bị. Giữa sân chung cư là một “quả bom” khổng lồ, những bức tranh, tác phẩm điêu khắc chen chúc nhau qua cả hai căn hộ mà hắn mới thuê thêm. Trên tường là “Adam và Eva” đang trôi tự do trong cú nổ “Big Bang”, với tro tàn từ những mồi lửa rớt xuống từ những bức tranh làng Sình, khi được hóa vàng. Góc bên kia là quả trứng Lạc Long Quân - Âu Cơ ẩn hiện Tiên- Rồng, với những vết rạn nứt chói lên như nghê thuật vá vàng Kintsugi. Quả trứng trong truyền thuyết khởi sinh là một một mô típ quen thuộc, chúng xuất hiện trong tín ngưỡng cổ đại của Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp, Phoenicia… 


Trong truyền thuyết, Đấng tạo hóa của đạo Hindu, Bramah cũng xuất hiện từ một quả trứng vàng trôi nổi trên đại dương nguyên thủy vô biên. Nhưng tại đây, quả trứng Tiên - Rồng lại có một thanh kim đồng xuyên thẳng qua. Chúng làm tim tôi hơi nhói lên vì gợi hình ảnh một mũi lao, một ánh chớp của sét đang giáng xuống, ghim thẳng vào một vùng đất như một lời nguyền âm tính, đau đớn cho một dân tộc. Góc bên này là những bức tranh với chất liệu tổng hợp, mà khi ngắm nhìn, tôi cũng ngơ ngác, không biết hắn làm thế nào để tạo ra hiệu ứng thị giác với những hình ảnh chồng lớp ẩn hiện, ám ảnh. Có thể thấy như thể Nữ thần Tự do, Chúa- Phật đã “rời bỏ loài người”, chỉ còn lại những ảo ảnh giăng mắc bủa vây. Bên ngoài hành lang chật là những bức tranh “tròng mắt” phủ đầy khói - muội than, tràn trên bề mặt là không khí của chiến tranh, của bom đạn vừa rơi xuống. Những đôi mắt “Những kẻ điên” (Crazy people) giờ chỉ “còn một con”. Chúng không còn trừng trừng nhìn ra thế giới nữa mà ẩn hiện bên trong tàn tích quá khứ - hoang mang thời cuộc, tình yêu - sự chia ly và cả nỗi day dứt khôn nguôi… Trong “con mắt ấy” có thể thấy cả thiện-ác, tự do-trói buộc đan xen. Tôi có hỏi tại sao thì hắn trả lời: Sau khi chiếc trực thăng đậu xuống mái nhà thủ đô Kabul, hay sau khi Putin phát lệnh tấn công vào Ukraine và nhất là sau đại dịch Covid, trong mỗi chúng ta ánh nhìn về sự vật chắc chắn đã khác đi rồi. 


Bùi Giáng từng có hai câu kết ám ảnh trong bài thơ Mắt Buồn: 

“Bây giờ riêng đối diện tôi 

Còn hai con mắt khóc người một con…”

Còn Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ca khúc Con mắt còn lại: 

“Còn hai con mắt khóc người một con… 

Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi.” 

Cả hai đã đặt sáng tác của họ vào ngôi đền văn nghệ Việt, khi câu thơ - bài hát ấy không chỉ để du dương mà chạm tới tính: bản thể và sự lưỡng phân bản thể, thuyết nhất nguyên và cả nhị nguyên. 


Không biết tranh của Bùi Thanh Tâm đã chạm tới tính triết học đó chưa, nhưng tôi đã thấy tính nhị nguyên bên trong tâm hồn của hắn: Một bên là “thú dữ” và bên kia là… “mây trắng bay”!

 

Trần Lê Quốc Bình

Kiến trúc sư